“Hoặc chuyển đổi số, hoặc bị bỏ lại phía sau” là nhận định của ông Đặng Thái Cường, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Fundgo, khi nói về chuyển đổi số.
Để có thể gia nhập vào làn sóng chuyển đổi số trong năm 2024, những cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chính phủ cần làm gì để có cho mình một chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Hãy cùng VR360 tìm hiểu qua series Cẩm nang chuyển đổi số. Trong số đầu tiên này sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin, nội dung cơ bản trong hành trình chuyển đổi số.
I. Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức; cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số đã thâm nhập và tồn tại trong đời sống dù chưa nhiều người biết đến. Và đến khoảng năm 2018 ở tại Việt Nam, khái niệm chuyển đổi số mới thực sự được mọi người nhắc đến và tìm hiểu một cách chuyên sâu. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia vào ngày 03/6/2020. Cũng từ đây, hành trình tham gia vào công cuộc chuyển đổi số luôn được quan tâm và chú trọng.
Vì sao nói chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa? Tin học hóa hay còn gọi là ứng dụng công nghệ thông tin, là việc số hóa quy trình nghiệp vụ đã có. Tin học hóa thường không làm thay đổi quy trình đã có của một tổ chức, doanh nghiệp mà phải đến khi tin học hóa ở mức cao, dẫn đến thay đổi quy trình hoặc mô hình hoạt động mới gọi là chuyển đổi số.
Sự khác nhau của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra bao gồm các chính sau:
- Chuyển trọng tâm từ chính quyền sang người dân
- Chuyển từ ứng dụng công nghệ sang chuyển đổi cách làm việc
- Chuyển trọng tâm từ giám đốc CNTT sang người đứng đầu
- Chuyển từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số dùng chung
- Chuyển từ máy tính riêng lẻ sang điện toán đám mây
- Chuyển từ hệ thống CNTT sang môi trường số
- Chuyển từ tự động hoá sang thông minh hoá
- Chuyển từ dữ liệu của tổ chức sang dữ liệu người dùng
- Chuyển đổi từ dữ liệu có cấu trúc sang dữ liệu phi cấu trúc
- Chuyển từ CNTT sang CNTT + Số hoá toàn diện + Dữ liệu + Đổi mới sáng tạo + Công nghệ số
II. Vì sao cần phải tham gia chuyển đổi số?
Chuyển đổi số là quá trình khách quan, muốn hay không thì chuyển đổi số vẫn xảy ra và đang diễn ra. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia hoặc đứng ngoài quá trình đó. Nếu đứng ngoài, sẽ có khoảng cách lớn giữa các tổ chức, doanh nghiệp, lĩnh vực đã thực hiện và chưa thực hiện chuyển đổi số và khoảng cách đó sẽ dần được nới rộng theo cấp số nhân.
Cũng như nhận định của Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Fundgo đã nói; “ Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là bị bỏ lại phía sau.” Thật khó để hình dung một doanh nghiệp bây giờ vẫn hoạt động và lưu trữ các thông tin qua những cuốn sổ dày cộm, hay gửi một thông báo bằng cách viết thư... Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà tạo ra các giá trị mới ngoài những giá trị truyền thống, mở ra không gian sáng tạo và phát triển trước nay chưa từng có.
Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho mọi quốc gia khi tham gia vào quá trình này. Đặc biệt là cơ hội để các nước đang phát triển có thể tiếp cận gần hơn với sự phát triển của toàn cầu, nâng cao đời sống cho mọi người dân. Vì vậy chính phủ Việt Nam luôn đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tham gia chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam có thể vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia.
Chuyển đổi số cần phải thực hiện toàn diện, đồng bộ mới mang lại hiệu quả. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Bởi thị trường luôn thay đổi, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, luôn có một nhóm người dùng mới, nhu cầu mới, yêu cầu những trải nghiệm mới.
Vậy ai cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số? Cùng theo dõi trong nội dung tiếp theo của Cẩm nang chuyển đổi số.
III. Chuyển đổi số là việc của ai?
Theo Cục tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện. Với một tổ chức, vì là sự thay đổi tổng thể và toàn diện, nên trước tiên đó là việc của người đứng đầu, nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Sau đó chính là việc của tất cả mọi thành viên trong tổ chức.
Để giúp hình dung rõ hơn về nhiệm vụ này, có thể gọi tên những nhóm sau bao gồm: Nhà lãnh đạo chuyển đổi số, chuyên gia công nghệ số, người tham gia chuyển đổi số.
Nhà lãnh đạo chuyển đổi số là những người đứng đầu tổ chức có tầm quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Bởi việc thiết lập hoặc thay đổi những phương thức hoạt động, tổ chức khác đi đòi hỏi cá nhân phải có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là chuyển đổi số giúp giải quyết những vấn đề nhức nhối của tổ chức mình và kiên định với mục tiêu đặt ra. Nhà lãnh đạo chuyển đổi số không nhất thiết phải là người am hiểu về công nghệ số. Điều quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo là biết đặt ra bài toán, dám chấp nhận cái mới và dám cho cái mới một cơ hội.
Chuyên gia công nghệ số có thể là người bên trong hoặc bên ngoài của tổ chức. Chuyên gia bên trong của tổ chức là người nhận bài toán từ lãnh đạo và chuyển hóa thành yêu cầu, là người ra đầu bài thông thái. Chuyên gia bên ngoài của tổ chức là những người chuyên nghiệp, trong các doanh nghiệp công nghệ số, dùng công nghệ số để giải quyết bài toán đặt ra. Trên thực tế, nhiều người lầm tưởng chuyên gia chỉ nói những câu chuyện chuyên môn phức tạp, vì thế, nhiều người tự nhận là chuyên gia bằng cách biến câu chuyện đơn giản thành câu chuyện phức tạp. Nhưng không phải vậy, chuyên gia là người có khả năng làm ngược lại, biến câu chuyện phức tạp thành câu chuyện đơn giản.
Mọi cá nhân, thành viên trong tổ chức: Bởi chuyển đổi số là quá trình thực hiện đồng bộ và toàn diện nên tất cả các thành viên đều phải tham gia. Ở nhóm này, tất cả các thành viên sẽ thực hiện các công việc theo hướng dẫn của chuyên gia công nghệ số để có thể hoàn thành bài toán của nhà lãnh đạo một cách hiệu quả.
IV. Khi nào cần thực hiện chuyển đổi số?
Nhìn vào xu hướng phát triển, doanh nghiệp có thể tham gia vào chuyển đổi số muộn nhưng nếu không có kế hoạch chuyển đổi số thì dễ dàng bị bỏ lại phía sau. Nhìn về đường dài, thì mọi cá nhân, tổ chức đều sẽ phải tham gia vào chuyển đổi số, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, những tác động của công nghệ số lên các tổ chức, các ngành nghề là khác nhau, nên lộ trình chuyển đổi sẽ khác nhau.
Một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có thể ít bị tác động bởi công nghệ số hơn là một doanh nghiệp vận tải. Vậy khi nào cần thực hiện chuyển đổi số? Tiếp tục theo dõi những nội dung trong Cẩm nang chuyển đổi số dưới đây!
Quy luật “cá lớn nuốt cá bé” dường như đã không còn phù hợp trong tình hình phát triển của xa hội ngày nay. Nếu một doanh nghiệp lớn không đổi mới, có thể sẽ bị thay thế bởi những doanh nghiệp mới, nhỏ và linh hoạt hơn. Chuyển đổi số đã thay đổi quy luật ấy bằng “cá bơi nhanh nuốt cá bơi chậm". Vì vậy, doanh nghiệp nào đi nhanh, tham gia chuyển đổi số sớm thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
Chuyển đổi số thiết lập lại mặt bằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chuyển từ “cá to nuốt cá bé” sang “cá nhanh nuốt cá chậm”. Trong chuyển đổi số, doanh nghiệp nào đi nhanh sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn.
- Khi doanh nghiệp đã khai thác hết năng suất của các phương pháp mình đang sử dụng?
Dễ dàng nhận thấy thời điểm cần thực hiện chuyển đổi số trong thời điểm này. Khi một tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng hết các phương pháp sản xuất truyền thống nhưng năng suất vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. Và mục tiêu ấy dần trở nên thành mục tiêu bất khả thi. Lúc này việc thực hiện chuyển đổi số để thay đổi phương thức sản xuất dường như là một sự lựa chọn sáng suốt. Hạn chế và thậm chí là loại bỏ những phương pháp sản xuất truyền thống, thay vào đó là ứng dụng công nghệ số vào dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu quả và năng suất làm việc ở mức cao hơn.
- Có nhất thiết phải cần chờ xảy ra vấn đề mới thực hiện chuyển đổi số?
Vốn dĩ việc chuyển đổi số là cần thiết ở mọi thời điểm, không nhất thiết phải chờ đến lúc doanh nghiệp của bạn xảy ra vấn đề mới bắt đầu hành động. Điểm yếu của doanh nghiệp chính là chờ đợi và khiến cơ hội thay đổi ngày một xa hơn. Thay đổi không phải để lùi lại mà để tiến xa hơn, chuyển đổi số sẽ giúp quá trình phát triển đi nhanh hơn so với hiện tại, đồng thời loại bỏ những mối nguy hại tiềm ẩn cho doanh nghiệp trước tình hình phát triển nhanh chóng.
- Một ví dụ về chuyển đổi số trước khi khủng khoảng?
Trong bối cảnh báo chí toàn cầu gặp khó khăn khi nguồn thu quảng cáo liên tục giảm mạnh, thì tờ Thời báo New York (New York Times) tại Mỹ lại ghi nhận dấu mốc doanh thu ấn tượng. Quý IV/2019, mảng kinh doanh số của tòa soạn này đã vượt ngưỡng 800 triệu USD, trong đó có tới 420 triệu USD đến từ độc giả trả phí, cao hơn nguồn thu từ mảng kinh doanh truyền thống là quảng cáo. Đến hết năm 2020, số độc giả trả phí cho các ấn phẩm in và ấn phẩm số của The New York Times đã đạt hơn 7,5 triệu. Trong đó, đăng ký cho các ấn phẩm số đã vượt 5 triệu lượt, chiếm 67%.
Thành công của New York Times không phải đến một cách ngẫu nhiên. Những nhà lãnh đạo của tòa soạn từ sớm đã nhìn thấy tiềm năng to lớn ở Internet trong việc phát huy giá trị cốt lõi, mang đến những câu chuyện theo tiêu chuẩn báo chí cao nhất đến với độc giả toàn thế giới. Sau nhiều năm kiên trì đi theo con đường riêng với trọng tâm ưu tiên phát triển doanh thu số, những nỗ lực của New York Times đã được đền đáp khi tòa soạn này hiện duy trì vị trí tòa soạn danh giá nhất với 120 giải Pulitzer và đồng thời cũng là tòa soạn có tỉ lệ phóng viên biết lập trình cao nhất trong làng báo.
Cũng là ngành báo chí nhưng có lẽ tờ Độc lập (The Independent) lại không may mắn như New York Time khi để cơ hội chuyển đổi số vụt mất và rơi vào khủng hoảng. Được thành lập vào năm 1986 bởi ba nhà báo, tờ Độc lập của nước Anh đã trở thành ngôi nhà của những nhà báo nổi tiếng như Robert Fisk, Andrew Marr, Helen Fielding... Vào giai đoạn đỉnh cao, tờ Độc lập đã từng xuất bản 400.000 bản mỗi ngày, rồi sau đó, cùng với sự phát triển của Internet, số lượng ấn bản giảm xuống chỉ còn 40.000 bản mỗi ngày vào năm 2015 và tuyên bố dừng ấn phẩm vào năm 2016.
V. Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia chuyển đổi số
“Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.” Để có thể thực hiện chuyển đổi số một cách đúng đắn và hiệu quả, cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm cũng như những cơ hội và thức thức đặt ra để có thể đưa ra những chiến lược, kế hoạch đúng đắn.
- Về điểm mạnh:
- Nhận thức và chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, Chính phủ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số;
- Không bị áp lực và tổn thất lớn do phải chuyển đổi mô hình cũ, công nghệ cũ;
- Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và tỷ lệ sử dụng công nghệ phát triển rất nhanh;
- Nguồn nhân lực trẻ, thông minh, ham học hỏi, sáng tạo, thích ứng nhanh và có khát vọng làm giàu;
- Điều kiện tốt về vị thế chính trị ổn định, dân số, địa lý, khí hậu, tài nguyên.
0 Nhận xét